Tiếng ViệtTiếng Anh

Đoàn cán bộ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đến với Trường Sa

Cập nhật: 25-05-2017 02:26:57 | Tin tức | Lượt xem: 1910

Đoàn đại biểu Trường Đại học Hàng hải VN gồm 12 người, do TS Lê Quốc Tiến - Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã tham gia Đoàn công tác số 12 đến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Tây, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Nhà giàn DK1.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước “Cả nước vì Trường Sa, Hoàng Sa!” và phong trào” Nghĩa tình biển đảo”; được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, Đoàn đại biểu Trường Đại học Hàng hải VN gồm 12 người, do TS Lê Quốc Tiến - Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã tham gia Đoàn công tác số 12 trong những ngày tháng 5 lịch sử (từ ngày 10/5 đến 18/5/2017), đoàn công tác đã đến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Tây, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Nhà giàn DK1.

Tại mỗi điểm đảo, Đoàn công tác đã thăm hỏi và trực tiếp tặng quà cho lực lượng Hải quân cùng những hộ dân sinh sống trên đảo. Những món quà đầy tình nghĩa của CB, GV, CNV Nhà trường đã được các chiến sĩ Hải quân cũng như bà con trên các đảo đón nhận một cách trân trọng và vô cùng cảm động. Ngoài hoạt động thăm, tặng quà, đoàn đã phối hợp với huyện đảo Trường Sa tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ với chủ đề về biển đảo quê hương thể hiện trái tim đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước nồng nàn của những người lính, luôn sẵn sàng hi sinh, cống hiến, ngày đêm đương đầu với bão giông, sóng dữ để giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Được tận mắt chứng kiến cuộc sống chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ, mọi thành viên đoàn công tác càng thêm tin tưởng các anh vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là bảo vệ giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ sau của TS Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế chính là tâm sự của các thành viên sau một hải trình ý nghĩa:

“Tôi lớn lên khi quê hương đã tạm yên bình
Và Trường Sa, chỉ là những bài học viết trên trang giấy trắng
Là những câu chuyện của cha chứa chan lo lắng
Về vùng đảo xa xôi, nhọc nhằn chống chọi biển trời

Giờ tôi được đến đây, thỏa mong ước cuộc đời
Để được nhìn thấy thị trấn Trường Sa đầy sức sống
Thấy những em thơ, trong sân trường gió lộng
Học tập, vui đùa giữa những yêu thương

Tôi được tới Trường Sa Đông xanh mướt, phi thường
Tới Đá Tây, với công trình âu tàu lịch sử
Để từ đây Trường Sa vươn thành bất tử
Là một phần chiến lược của kinh tế quê hương

Tới Núi Le trung dũng, quật cường
Đang vươn lên giữa muôn trùng sóng dữ,
Được gặp người anh hùng hải đăng Tiên Nữ
30 năm cháy hết mình soi sáng những chuyến tàu

Và đó An Bang, hiên ngang sóng gió đương đầu
Roi cát trắng, đảo cực nam, vựa cá Trường Sa, đứng vững,
Tôi được tới nhà giàn DK hiên ngang sừng sững,
Như những chàng trai ưỡn ngực, ngẩng cao đầu khẳng định chủ quyền Tổ quốc kiên trung

Gặp người  lính hải quân trên tàu 571, những anh hùng
Kỷ luật, chu toàn, tài ba, trách nhiệm
Tinh thông
Chăm lo chúng tôi từng giấc ngủ, bữa ăn, bằng cả trái tim hồng,
Cho cả những chuyến xuồng an toàn, êm ái

Dẫu biết còn muôn ngàn khó khăn, trở ngại
Để giữ từng tấc đất, tấc biển quê hương
Tôi cảm nhận được sự nghẹn ngào của những anh lính trẻ kiên cường
Khi nghĩ về gia đình, người yêu, bè bạn

Nhưng trên hết, ở các anh lòng quyết tâm vô hạn,
Hướng ra đại dương, canh Tổ quốc sau lưng,
Tôi thấy đất nước tôi tươi sáng, hào hùng
Có những con người, đang cống hiến từng ngày không lựa chọn,

Tôi càng thấy rõ bản thân mình bé mọn
Trong những bon chen, tranh đoạt, suy nghĩ cải lương
Tôi cũng có những tự hào, dù là cục bộ, tầm thường
Khi gặp những sinh viên Hàng hải trường tôi đang xây dựng Trường Sa yêu dấu

Tôi thấy trong chúng tôi nung nấu
Những quyết tâm góp sức mình xây dựng quê hương”.

Trải nghiệm trong chuyến công tác Trường Sa, các thành viên trong Đoàn hiểu rõ rằng, chủ quyền của chúng ta về quần đảo Trường Sa hiện hữu không chỉ từ phương diện lịch sử, những văn bia, chứng sử hết sức rõ ràng mà còn là những cột mốc xi măng vững chắc chứa đựng thông điệp đanh thép về chủ quyền hợp pháp, không thể tranh chấp trên Biển Đông. Những cột đá chủ quyền với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 được đúc bằng máu, mồ hôi, sự hy sinh của người chiến sĩ Hải quân và nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Họ không chỉ tạo dựng cột mốc trên thực địa đứng vững trước bão tố phong ba mà còn là cột mốc sâu thẳm về giá trị trong lòng mỗi người con đất Việt.

Có thể nói chuyến công tác của Đoàn cán bộ Trường ĐHHHVN đến với Trường Sa là một Hành trình đầy ý nghĩa thiết thực, chung tay cùng nhân dân cả nước động viên, chia sẻ với những chiến sĩ bộ đội Hải quân, những người con trung kiên đang ngày đêm không quản gian khổ, hy sinh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, mang lại bình yên cho mọi người, cho đất mẹ Việt Nam.

Nguồn: VPCĐ

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi